Người Thơm Xứ Hương Cảng

Cơm trưa với một gia đình  Hong Kong tại Royal Hong Kong Yacht Club, Causeway Bay

Cơm trưa với một gia đình Hong Kong tại Royal Hong Kong Yacht Club, Causeway Bay – 2008

Hơn một tuần nay, cả thế giới dõi mắt về Hong Kong nơi dân chúng đang đấu tranh bất bạo động chống lại sự can thiệp thô bạo của Bắc Kinh vào quyền tự do bầu cử của họ. Tình hình càng lúc càng căng thẳng khi có sự trấn áp từ phía cảnh sát. Báo đài nước ngoài và các trang mạng lề trái cập nhật tin tức về việc này hàng ngày và tất nhiên là họ ủng hộ Hong Kong trong việc đòi dân chủ. Ngay cả báo lề phải của ta cũng tường thuật khá trung thực sự việc (chuyện hơi hiếm khi đụng đến đàn anh cùng dương tính). Là người không được nhạy bén trong những chuyện liên quan đến chính trị, tôi chỉ muốn chia sẻ vài cảm nghĩ của mình về “đất nước” và con người Hong Kong dưới góc độ của người làm việc với họ hàng ngày.

Gà ri,  sếp tôi từng có thời gian làm việc rất lâu ở Hong Kong bảo với tôi rằng: “Cuộc đấu tranh này làm thay đổi suy nghĩ của nhiều người về dân Hong Kong. Mọi người thường đánh giá họ là người thực dụng, chỉ biết đến tiền mà thôi. Giờ thì thực tế chứng minh tiền không phải là thứ họ ưu tiên hàng đầu!” Quả thực nếu chỉ quan tâm đến tiền thì dân Hong Kong sẽ không để cho cuộc đấu tranh này nổ ra và kéo dài gần hai tuần nay.

Nếu đánh giá người Hong Kong qua những đồng nghiệp mà tôi giao dịch hàng ngày qua email hay điện thoại thì tôi luôn cho họ điểm cao hơn đồng nghiệp Singapore, Thái lan, Hàn quốc, v.v… vì tính thẳng thắn, chuyên nghiệp và hiệu quả của họ.

Đồng nghiệp Hong Kong, văn phòng Central - 2002

Đồng nghiệp Hong Kong, văn phòng Central – 2002

Năm 2002, lần đầu tôi qua Hong Kong cũng là lần đầu tôi ra nước ngoài. Gà lo lắng gửi email qua cho Erez, sếp của Hong Kong nhờ chăm sóc, nhồi nhét sao đó để trong thời gian một tuần, tôi có thể tiếp thu được kiến thức và cung cách làm việc của đồng nghiệp nơi đây. Email của Gà hết 2/3 trang A4, vậy mà Erez trả lời cụt lủn: “Don’t worry brother. Just ship her one way to Hong Kong, then, we will take care the rest!” và ông đã làm thế thật.

Nhờ Gà ri vẽ giảng giải trước tôi mới biết lãnh thổ Hong Kong không phải chỉ là một hòn đảo mà nó bao gồm đảo Hong Kong, đảo Lantau (Đại Nhĩ Sơn), bán đảo Kowloon (Cửu Long) và khu New Territory (Tân giới) cùng vô số đảo nhỏ khác, còn công ty thì có văn phòng ở khu Central (Trung Hoàn), Wanchai (Vịnh Đồng La), Tsim Sha Tsui,  Kwai Chung và cả ở phi trường. Điều đó có nghiã là tôi sẽ phải di chuyển rất nhiều giữa các nơi này.

Tôi nhận được một bản hướng dẫn chi tiết từ  Pauline, cô Thư ký của Văn phòng Khu vực cũng đóng tại Hong Kong, trong đó chỉ rõ sau khi xuống máy bay, tôi sẽ lấy hành lý ở đâu, nơi làm thủ tục Xuất Nhập cảnh, chỗ đổi tiền v.v… Trong bản chỉ dẫn của Pauline không hề cảnh báo cho tôi biết trước rằng Viên chức Xuất Nhập Cảnh của Hong Kong rất coi thường người Việt Nam. Thế cho nên tôi thực sự choáng khi hắn xăm xoi hộ chiếu của tôi rồi quăng phạch xuống quầy kèm theo cái bĩu môi “Việt Lam!” Cuối năm 2008, Đức Tổng Giám Mục Hà nội Ngô Quang Kiệt cũng chỉ đúc kết lại những câu chuyện tương tự như việc mà tôi đã gặp, nhưng Ngài đã bị  đám bồi bút cắt dán câu chữ thành: “Tôi cảm thấy nhục khi cầm hộ chiếu Việt Nam!” Thế là đủ khơi mào cho màn đánh hội đồng bẩn thỉu của đám truyền thông lề phải nhâu nhâu vào cấu xé một con người chân chính.

Lần đầu tiên ra nước ngoài nên tôi thực sự ngỡ ngàng khi máy bay đáp xuống phi trường Chek Lap Kok (“CLK”) vì tầm vóc to lớn của nó. Đây là phi trường mới được khánh thành năm 1998 thay cho phi trường Kai Tak nằm phía Bắc của Vịnh Kowloon bị bao bọc bởi núi non lởm chởm. Gà cho tôi biết việc hạ cánh xuống Kai Tak là một thách thức với các phi công vì máy bay phải vượt qua các khu vực đông đúc dân cư tại bán đảo Kowloong với cao độ thấp, trong khi đường băng lại ngắn. Gà bảo có những hôm thấy máy bay đã xuống rất thấp gần tiếp đất nhưng lại phải bay vọt lên đảo một vòng để đáp lại chỉ vì phi công đã bay quá điểm tiếp đất bị giới hạn.

Vì những hạn chế của Kai Tak, Hong Kong đã chọn đảo CLK để đặt phi trường mới. Họ phải bạt phẳng một trái núi rồi dùng đất đá từ đó lấn ra biển để tạo mặt bằng cho phi trường. Chi phí cho phi trường này lúc ấy khoảng 20 tỷ Mỹ kim. Từ ngày “thông máy bay” đến nay, chưa từng nghe nói phi trường CLK bị lún hay nứt, chắc trình độ rút ruột công trình xứ này chưa cao như ở ta.

Khoảng 15 phút sẽ có một chuyến Airport Express dừng lại cho khách lên xuống

Khoảng 15 phút sẽ có một chuyến Airport Express dừng lại cho khách lên xuống

Những ngày ở Hong Kong, tôi ấn tượng nhất với hệ thống giao thông và các phương tiện đi lại công cộng đại chúng nơi này. Rời phi trường CLK, tôi bắt đầu sử dụng một trong những phương tiện đi lại công cộng cực kỳ thuận tiện của Hong Kong, đó là Airport Express (“AE” – xe lửa điện tốc hành chuyên dùng cho khách đi/đến phi trường). Vé cho một lượt đến Ga Central là 100HKD, nếu mua khứ hồi là 180HKD (100USD tương đương 700HKD).

Tôi rất thích đi bằng AE vì xe điện này rất sạch và hiện đại. Từ sân ga (platform) bước vào xe, tôi không phải nhấc cao chân lên những bậc thang như đi xe lửa ở ta vì sân ga và sàn xe có cùng độ cao. Trước mỗi toa xe có kệ để hành lý riêng biệt, chỗ ngồi rộng rãi thoải mái. Có một bảng điện tử nhỏ trên đầu mỗi toa, vạch chiều dài của toàn bộ lộ trình với những chấm đỏ là các trạm Tsing Yi (Tân Giới), Kowloon và Central (trạm cuối). Xe đi qua điểm nào thì bảng điện tử tô màu xanh lá lên nơi đó kèm theo lời thông báo từ máy cho biết tên trạm sắp đến. Sau này, từ Hong Kong về Việt Nam, tôi có thể đến trạm Central để làm thủ tục check in lên máy bay để gửi hành lý trước khi bay mấy tiếng đồng hồ rồi cứ thế tay không thong dong ngắm phố phường. Sắp đến giờ cất cánh mới phải quay lại trạm này, lên AE ra phi trường.

Sơ đồ hệ thống MTR - Các tuyến MTR xuyên biển, nối đảo Hong Kong với Kowloon, Lantau và CLK

Sơ đồ hệ thống MTR – Các tuyến MTR xuyên biển, nối đảo Hong Kong với Kowloon, Lantau và CLK

AE tốt nhưng chỉ để đi lại giữa thành phố và phi trường mà thôi và giá lại đắt, để di chuyển tại Hong Kong thì xe điện ngầm MTR là thuận lợi và rẻ nhất. MTR bao phủ các quận lớn ở đảo Hong Kong, đảo Lantau và bán đảo Kowloon. Để dễ nhìn, người ta tô mầu từng tuyến đường chính. Điều quan trọng là phải xuống đúng trạm nơi các tuyến có điểm chung để có thể chuyển từ tuyến này sang tuyến khác. MTR được làm theo kiểu cuốn chiếu, xong tuyến này chủ đầu tư sẽ làm tiếp qua tuyến khác. Năm 2002, chỉ có vài tuyến MTR vậy mà những năm sau, tôi cứ thấy có thêm vài màu mới xuất hiện trên bản đồ MTR. MTR còn được gọi là Octopus, chắc vì các tuyến đường cứ thế vươn ra như vòi của con bạch tuộc.

Ta có thể dễ dàng nhận thấy dấu hiệu đường ray trắng trên nền đỏ của MTR trên các tuyến phố chính ở Hong Kong. Muốn dùng MTR thì cứ thấy cửa nào có dấu đó thì đi vào. Mua thẻ rồi tới chỗ có máy đọc, quẹt thẻ để máy nhớ trạm mình đã xuống. Sau đó thì lên tàu, muốn đi đâu thì đi, nhưng máy sẽ tự động trừ tiền khi ở trạm mình quẹt thẻ ra mà thôi. Di chuyển gần gần chỉ mất vài đô Hong Kong.

Mấy năm nay Việt nam cứ xôn xao vụ Nhà nước sẽ đánh thuế sử dụng xe máy và nghe đâu đầu năm sau chắc chắn sẽ áp dụng. Họ bảo làm vậy để mọi người hạn chế dùng xe máy mà chuyển qua dùng các phương tiện di chuyển công cộng đại chúng khác. Mỗi lần nghe vậy là tôi lại ấm ức. Phương tiện di chuyển công cộng đại chúng ở Việt Nam chỉ có mỗi xe bus mà mạng lưới thì không phủ khắp Sài gòn được, dịch vụ thì kém đã vậy còn thêm tệ nạn móc túi nữa. Phải mà có phương tiện nào đó như MTR ở Hong Kong thì tôi sẽ xếp xó cái xe máy ngay, chẳng đợi đến phiên Nhà nước hạn chế xe máy.

Tháng trước, Sài gòn bắt đầu chặn đường Lê Lợi, chặt hàng cây xanh cả trăm tuổi hai bên đường, dọn sạch Thương xá Tax để làm nhà ga cho tuyến Metro đầu tiên, cũng tương tự như MTR của Hong Kong. Hy vọng hệ thống Metro này sớm hoàn thành để giải quyết phần nào sự hỗn độn trong giao thông tại Sài gòn. Có điều, tôi nghe nói Sài gòn được hình thành trên nền đất thấp và yếu không thích hợp làm Metro. Chỉ mong Nhà nước ta đừng xây dựng dự án này chỉ dựa trên nhiệt tình và quyết tâm CM, bất chấp tính chất đặc thù của địa chất Sài gòn. Đường cao tốc mà nứt và lún thì không sao chứ Metro mà có sự cố thì quả thật là một thảm họa.

Xe bus 2 tầng

Xe bus 2 tầng

Thực ra MTR của Hong Kong chỉ thành công khi có sự bổ trợ của hệ thống xe bus để giúp mọi người di chuyển những đoạn ngắn, nơi MTR không phủ đến được. Tôi thích chiếc xe bus 2 tầng màu đỏ của Hong Kong, đó là một trong những dấu vết của một thời xứ này là thuộc địa của Anh. Năm 2002, tôi đâu đã có kinh nghiệm đi xe bus, lại quen với kiểu đi xe bus ở xứ mình. Tôi thấy xe bus từ xa nên dừng lại đưa tay vẫy. Một nhóm người đứng cách đó 20m, tử tế đưa tay ngoắc tôi lại đó để lên xe. Đến nơi, tôi mới biết chỗ đó là trạm xe bus và bắt buộc xe chỉ được dừng ở đó. Lên xe, tôi lại hỏi bác tài bao nhiêu tiền. Bác ấy chỉ tay vào cái hộp mica có dán số tiền là HKD2. Tôi dốc hết túi, chỉ có tờ 50HKD và 1 đồng bạc cắc trị giá 1HKD. Bác tài lắc đầu ngán ngẩm rồi nhón lấy đồng bạc cắc thẩy vào chiếc hộp.

Xe lửa điện một toa, 2 tầng trên đường ray

Xe lửa điện một toa, 2 tầng trên đường ray

Hong Kong còn có loại xe lửa điện (tram) rất hay. Xe chỉ có một toa thôi nhưng có hai tầng, chạy trên đường ray. Nóc xe có một cần ăng ten nối với dây điện trên cao, khi xe chạy, tôi thấy có tia lửa xẹt xẹt ra như cây pháo hoa nhỏ. Cùng với xe bus, xe lửa điện giúp mọi người từ trạm MTR ra đỡ phải đi bộ một khoảng đường dài. Có một đỉnh núi gọi là Victoria Peak, điểm cao nhất của đảo Hong Kong, nơi ta có thể quan sát toàn cảnh hòn đảo này. Rải rác trên đỉnh núi là những chiếc kính viễn vọng, bỏ tiền cắc vào ngắm cảnh sẽ rõ hơn. Để lên được tới đỉnh núi, tôi phải dùng xe lửa điện đặc biệt của điểm du lịch này (Peak Tram). Có những lúc đường dốc tới nỗi người tôi gần như song song với mặt đất bên dưới chân núi. Để hành khách khỏi bị tuột ra khỏi chỗ đứng, người ta phải làm những cái hõm trên sàn tàu để  chặn gót chân lại.

Các bạn ở các nước tiên tiến có lẽ sẽ thấy tôi nói quá nhiều về các phương tiện đi lại công cộng ở Hong Kong. Biết sao được, tôi chỉ muốn kể lại những trải nghiệm của tôi khi lần đầu tiên được bước ra khỏi “đáy giếng”. Tôi hiểu, để có được những tiến bộ này, Hong Kong cần có những con người tương xứng để làm chủ những đều tốt đẹp ấy. Đi trên đường phố Hong Kong, tôi thấy an toàn hơn ở Sài gòn. Tôi thoải mái hờ hững vắt túi trên vai, mắt chăm chú dò bản đồ, lâu lâu dừng lại hỏi thăm đường đi. Có khi tôi tranh thủ ngủ trên MTR và dặn người bên cạnh đánh thức khi đến trạm tôi cần xuống.

Có lần tôi lấy thêm một ngày phép và qua Macau chơi bằng phà. Khi về tôi kể với Pauline rằng tôi gặp một nhóm mấy bạn trẻ Trung quốc. Họ khoe với tôi rằng họ không tốn tiền nhiều cho chuyến du lịch này vì họ đi từ đầu đến cuối một con đường bán đặc sản ở Macau là đã đủ no do họ chỉ nếm chứ không mua, tối thì ngủ ở các nhà mát trong công viên. Pauline lắc đầu bảo tôi rằng họ không nên làm thế vì ai cũng làm như họ thì làm sao mọi người có thể buôn bán được. Với Pauline, đó là vô đạo đức, không chấp nhận được. Có lẽ đây cũng là một trong những giọt nước làm tràn ly dẫn đến những cuộc đấu tranh của dân Hong Kong gần đây.

Những năm sau này, tôi thấy Hong Kong ngày một xấu đi. Không còn hình ảnh của một Hong Kong đẹp đẽ với những con người ăn mặc thanh lịch như tôi từng thấy trong các cuốn phim bộ của TVB hoặc  ngoài đời,trong những năm đầu khi tôi mới qua đó. Có một điểm chung là mọi người Hong Kong đều đổ hết tội lên đầu dân Đại lục. Có hôm tôi đi với một người bạn Hong Kong, thấy có người khạc nhổ trên đường, bạn bảo ngay: “Main land!”

Ed, một đồng nghiệp Hong Kong,  mỗi năm đều qua Việt Nam giúp chúng tôi khi công ty có triển lãm. Cậu chàng 27 tuổi phẫn nộ nói với tôi rằng cậu thuộc vào thế hệ người Hong Kong đầu tiên không thể lập gia đình được vì những ngày này không có cách nào cho giới trẻ Hong Kong mua được nhà trả góp vì dân Đại lục dùng tiền tham nhũng qua mua nhà trả tiền ngay, đẩy giá lên cao ngất ngưỡng. Không có nhà riêng, không phải ai cũng có thể xin bố mẹ cho ở chung sau khi đã lập gia đình vì diện tích nhà ở Hong Kong thì nhỏ. Cái câu “ăn nhiều chớ ở bao nhiêu” không dùng ở Hong Kong được đâu.

Rồi còn chuyện sữa cho em bé nữa. Dân Đại lục hoảng sợ vì sữa bột nhiễm melamine nên dồn qua Hong Kong mua sản phẩm này cho an toàn. Thế là dân Hong Kong không có sữa cho con ăn. Đến mức ở phi trường phải dán thông báo mỗi người chỉ được cầm một hộp sữa ra khỏi Hong Kong! Nào có phải chỉ riêng sữa, thuốc men cũng chịu chung số phận. Dân Đại lục chỉ yên tâm khi mua thuốc bên Hong Kong, thế là dân Hong Kong đôi lúc bị đói thuốc ngay tại nhà mình. Trong khi đó, Ed còn than dân Hong Kong phải mua nước sinh hoạt từ Trung quốc với giá cắt cổ!

Từ khi các cuộc biểu tình bên Hong Kong nổ ra, tôi học hỏi được nhiều từ người dân xứ Cảng Thơm này. Tôi ngưỡng mộ vẻ hòa hoãn nhưng lại rất chuyên nghiệp trong đấu tranh của họ. Tôi nể phục Joshua Wong vì cậu không hề lên gân để trở thành tượng đài dù được mọi người tung hô. Tôi thấy cậu “người lớn” hơn những chính khách nước ta khi cậu dám nhận trách nhiệm thay đổi xứ xở của cậu chứ không đùn đẩy nó cho thế hệ mai sau. Tôi yêu hình ảnh các học sinh ngồi làm bài tập trong lúc biểu tình còn Thầy Cô thì ra đó giảng bài giúp các em. Tôi học được sự chu đáo từ các em qua những tấm băng rôn xin lỗi người dân vì sự bất tiện do biểu tình đã gây ra.

Từ Hương Cảng, các bạn Hong Kong đã thực sự tỏa hương ra khắp thế giới. Giờ phút này, tôi không chắc cuộc đấu tranh của các bạn sẽ về đâu bởi vì không phải lúc nào chính nghĩa hoặc cái đẹp cũng thắng. Nhưng tôi biết cuộc đấu tranh của các bạn không vô vọng vì ít ra các bạn đã giúp đánh động cho cả thế giới biết bộ mặt của quỷ dữ ra sao. Phong trào dân chủ trên thế giới sau này nếu có lớn mạnh cũng là nhờ công của các bạn hôm nay. Tôi cảm kích hành động đứng lên vì dân chủ của các bạn.

Một buổi tập huấn ở Hong Kong - 2010

Một buổi tập huấn ở Hong Kong – 2010

30 thoughts on “Người Thơm Xứ Hương Cảng

  1. Cái vụ sữa tao có thấy năm 2011 lúc đưa mấy nhỏ về thăm quê nội, chuyển máy bay ở HK. Chúc dân HK thành công trong cuộc đấu tranh giành dân chủ.

    • Quyền tự do bầu cử chỉ là bước đầu trong yêu cầu của người Hong Kong thôi mày ạ. Họ nhìn thấy trước, nếu không đứng lên đòi hỏi, thì một ngày không xa, họ sẽ trở thành ăn xin ngay trước cửa căn nhà của họ.

  2. Vậy là HK đã về tay TQ 15 năm. Làm sao mà so sánh sự lãnh đạo của mấy anh ở BK với những người ở London được. Nếu có nhiều thứ sa sút so với thì không có gì bất ngờ cả SUV.

  3. Pingback: Tin thứ Năm, 09-10-2014 « BA SÀM

  4. Khi làm việc với người xứ văn minh học hỏi được nhiều quá. SUV thật may mắn vì được làm việc với những người như vậy. Đến hôm nay dân HK vẫn tiếp tục biểu tình, họ có tầm nhìn, can đảm và tổ chức tuyệt vời. MD từ hôm giờ toàn hóng tin HK. Mong họ thành công.

  5. Pingback: Vụ khủng hoảng Hong Kong – Kinh tế và Văn hóa |

  6. Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Năm, 09-10-2014 | doithoaionline

  7. O SUV, tui cũng mến phục những người trẻ nói riêng và dân HK nói chung qua những ngày qua khi họ thể hiện văn minh, dân trí của họ một cách rõ ràng với thế giới.
    Trước đây tui có quá cảnh sân bay HK đôi lần, chưa bao giờ vào sâu trong nội địa cả. Đọc qua sách báo, cảm nhận qua những người từ HK thì vẫn biết họ cũng là xứ văn minh, dân chủ nhưng phải nói là hiểu rõ nhất là qua mấy tuần rồi.
    Rất đồng cảm với O về Joshua và các bạn. Tui từ trước chưa bao giờ ký cái gì qua mạng, nhưng hôm qua tui đã ký Thỉnh nguyện thư của họ.

    • SUV sẽ chuyển lời của Cụ Lý đến Lão Tập 🙂 Gì thì gì, SUV chỉ mong đừng có đổ máu vì chẳng ai biết được tụi Tàu plus sẽ làm gì cho dù dân HK chỉ đấu tranh bất bạo động.

  8. Cám ơn SUV, bài viết rất công phu và tâm huyết. Trông người lại ngẫm đến ta. Tiếc cho một xã hội văn minh đang bị nhuộm đỏ. Thương cho đân mình, bao giờ cho hết cảnh “kẻ ăn không hết, người lần không ra”, bao giờ cho hết mọi người được cơm no áo ấm?!

    • Cám ơn Lão Tập. Những ngày này, nhìn giới trẻ HK mà tủi thân khi nhìn lại “người nhà mình”. Có vẻ như chính sách ngu dân của họ đã thành công rồi anh ạ. Khi giới trẻ của mình không biết ước mơ, nhìn xa, chỉ biết hài lòng với những hưởng thụ vật chất thì họ đâu còn biết hướng đến những giá trị tinh thần nữa! Có lời: “Người ta sống không nguyên bởi cơm bánh….”

  9. Phải công nhận văn phong của SUV tốt thật. Lung khởi thật hay lại còn có hình minh hoạ nữa chứ. Cám ơn SUV bỏ công viết bài cho các bạn thưởng thức.

    • Cám ơn anh Bình thường xuyên ghé thăm, lại còn khen, động viên em út. SUV mong mọi người dân mình đều được thấy thế giới quanh mình thay đổi nhanh chóng thế nào, khi đó mọi chính sách ngu dân họ áp đặt lên dân mình sẽ không còn tác dụng. Mỗi người chúng ta góp một câu chuyện sẽ giúp thay đổi xã hội mình.

  10. bên HK hôm nay đã có “quần chúng bất bình” ra tay xin tí huyết cánh SV rồi kìa,
    SUV cập nhật tiếp thông tin của đồng nghiệp bên HK đi nhé.

    • Rồi cũng đến lúc bọn chúng phải dùng đến cái chiêu bẩn thỉu đó thôi Bác ạ. Nhìn gương mặt rất chi cô hồn của đám “quần chúng” là biết ngay chủ của chúng là ai!

  11. Bài hay nhưng hôm nay mói đọc , xin lỗi nhé .
    Lóp trẻ Hk đã được hưởng kết quả của nền dân chủ . Họ đã thấy được tương lai của mình là thế nào nếu không đấu tranh từ bây giờ . Và cuộc đấu tranh này cũng không hề đơn giản dù rằng họ chỉ đòi cái vốn là của họ .
    Cũng mong họ thành công , biết đâu ngọc lửa nhỏ thành đám cháy lớn …

    • SUV vẫn nghe những người đồng nghiệp nói rằng sự kiện này rất ấn tượng. Chưa biết mọi chuyện sẽ về đâu nhưng chắc chắn nó là khởi đầu của một luồng gió mới. Mọi thứ đều cần có sự bắt đầu.

    • Cám ơn Bác Réo. Đi ra ngoài thấy người ta có nhiều cái hay quá Bác ạ. Những điều SUV thấy có thể là rất bình thường với những ai đã từng đi đó đây, nhưng với một con ếch vừa bước ra khỏi cái ao làng như SUV thì chuyến đi đó đã giúp xóa đi những ảo tưởng do việc bị nhồi sọ rằng nước ta rừng vàng biển bạc, dân tộc ta thông minh, anh dũng, v.v…. Dân HK không có rừng vàng biển bạc và cũng không “thông minh” (láu cá thì đúng hơn) hơn ta, thế nhưng sao họ văn minh và giàu có hơn ta? Câu hỏi khó trả lời!

Bình luận về bài viết này