Đi Chỗ Khác Chơi!

Bài viết nhân ngày Quốc tế thiếu nhi năm 2020 đăng trên facebook.

Cách đây một tháng, tôi nhận được email của Yến (*), bạn học từ hồi mẫu giáo. Thư bạn nhờ tôi đọc và viết lại những dòng chữ bạn trút ra từ ký ức rối rắm của người phụ nữ 50 tuổi, kể về sự cố vào thời điểm bạn còn là bé gái 5 tuổi. Tôi không ngờ sở đoản viết lách linh tinh của tôi đã tạo cho Yến niềm tin, gởi gắm nổi đau bạn ôm kín trong lòng hơn 45 năm.

Yến nhắn với tôi rằng bạn đã được chữa lành bệnh, nhưng bạn muốn kể lại câu chuyện này trước hết là cho 3 đứa con của bạn hiểu hơn về người mẹ sống khép kín. Sau khi tôi sắp xếp lại câu chuyện giúp Yến, bạn sẽ dịch sang tiếng Pháp cho các con hiểu. Ngoài ra, Yến cũng muốn kể cho các bà mẹ khác nghe sự cố đời mình để họ tránh làm hỏng cuộc đời của con trẻ.

Được sự cho phép của Yến, tôi đăng lại câu chuyện này trên fb của mình. Quý vị thân hữu đọc câu chuyện này, nếu thấy quen quen, vui lòng “giật mình” để không mất bò mới lo rào dậu nhé! Bằng một câu nói “Đi chỗ khác chơi!” khi một đứa bé cần bạn, có thể bạn đã giết cả cuộc đời nó đấy!

Hãy để mắt đến con bạn 365 ngày chứ không riêng vào ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6!

(*) Vì lý do tế nhị, tôi đổi tên bạn để người quen không nhận ra. Bạn tôi vẫn chưa sẵn sàng cho việc này.

P/S: tôi kiếm hoài không ra tấm hình có căn tin của ngôi trường xưa, đành lấy tạm tấm hình của chính tôi nơi sân trường ấy vào dịp Xuân năm 1974

Hy vọng những dòng tâm sự này giúp tôi giải tỏa nổi ấm ức dồn nén trong lòng trong suốt cuộc đời. Tôi không cầu xin sự thương hại của người đọc mà chỉ muốn gửi đến họ thông điệp: ĐỪNG quá tin vào những người thân quen và HÃY lắng nghe con trẻ!

Người lớn thường nhân danh sự bộn bề của cơm áo gạo tiền mà vô tình bỏ qua giây phút quan trọng khi con trẻ níu áo mình cảnh báo về mối nguy mà bé đang gặp phải, hoặc tệ hơn, có nghe nhưng không chú ý hoặc không tin vào lời cầu cứu. Một sai lầm của người lớn, có thể sẽ phải trả một cái giá rất mắc cho cuộc đời của một đứa trẻ như tôi.

Phải đến 50 tuổi, tôi mới dám viết ra những điều tôi muốn nói mà chưa bao giờ nói được thành lời nhất là với những người thân của tôi. Tôi đã phải gặp bác sỹ tâm thần để điều trị rất nhiều năm để lấy lại sự cân bằng trong cuộc sống.

Thuở đó, tôi là đứa bé 5 tuổi. Mẹ tôi làm việc trong trường học nên tôi được tự do đi lại trong khuôn viên trường. Trong trường có căn tin bán đồ ăn cho học sinh vào giờ ra chơi. Mặt tiền của căn tin được xây cao khoảng 1.3m. Phần trên là cửa sắt kéo. Bình thường thì cửa này được kéo kín lại, tới giờ chơi thì mở ra để học sinh nhìn thấy đồ ăn vặt bên trong mà mua. Tôi thích nhất là món cà rem cây ở đây.

Chuông báo hiệu giờ ra chơi là rất nhiều học sinh cả trường túa ra căn tin nên nơi này rất đông. Hôm đó, tôi len lỏi qua đám đông và cố với cánh tay nhỏ xíu đưa tờ giấy bạc Má tôi cho lên cao để mua cây kem. Bức tường cao hơn tôi cả 2 cái đầu nên tôi lọt thỏm vào đám đông. Bỗng có một “anh lớn” đã bế tôi lên cao như có ý muốn giúp tôi mua kem. Nhưng ngay sau đó, anh ta đưa tôi ra khỏi khu căn tin và nói ở đây đông quá, khó mua lắm, chút nữa anh sẽ mua giúp em.

Sau đó anh ta kéo tay tôi, dắt đi một mạch đến nhà đậu xe, gần toilet, phía sau khu Cấp 1 và Mẫu giáo. Tôi bỗng thấy sợ hãi khi bị kéo vào chỗ bóng tối nên vùng ra. Thế nhưng anh ta cao lớn, còn tôi thì bé xíu và đang bị nắm cánh tay rất chặt nên tôi không thể bỏ chạy!

Anh ta nắm lấy đầu tôi, ghì vào cái của nợ đã được lôi hẳn ra ngoài quần của hắn. Đến bây giờ tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi cái mùi kinh tởm từ thứ ấy. Tuy còn bé, nhưng tôi ý thức được người này đang làm một cái gì đó không tốt. Dù rất hoảng sợ nhưng tôi vẫn còn đủ sáng suốt nghĩ rằng mình phải bỏ chạy!

Thế là tôi lấy hết sức vùng ra, bỏ chạy thục mạng từ sân sau của trường đến văn phòng của Má tôi để mong có được sự che chở của bà. Vậy mà tôi không nhận được thứ tôi rất cần lúc đó. Má tôi đã không cho tôi cơ hội để nói. Bà từ chối thẳng thừng rằng Má đang làm việc, đừng quấy rầy, đi chỗ khác chơi!

Vì còn quá nhỏ nên tôi cũng dần quên đi cho đến khi tôi gặp tai nạn lần thứ 2. Lúc ấy tôi khoảng 6 tuổi.

Má tôi rất quý một vị tu sĩ, lâu lâu bà mời ông đến nhà dùng cơm vào dịp cuối tuần. Mỗi lần ông đến chơi, thường mang cho tôi một hộp kẹo của Pháp, có đủ màu đủ mùi vị trái cây. Như mọi đứa trẻ khác, tôi rất thích món quà ngọt ngào này.

Ông thường tới trước bữa ăn và ngồi chơi với tôi trong khi Má và bà ngoại tôi lúi húi làm đồ ăn dưới bếp. Ông bế tôi đặt lên đùi rồi bảo ngồi yên thì mới được ăn kẹo, nếu không, ông sẽ lấy lại. Trong lúc người lớn bận dưới bếp, ông ta có đủ thời để thò tay vào trong chiếc quần đùi để sờ soạng tôi! Thời đó, nhà nghèo, tôi toàn phải mặc lại quần đùi cũ của 2 anh trai thải ra.

Lại một lần nữa, tôi cảm nhận được có gì đó không đúng trong việc làm này của ông ta nên tìm cách bỏ chạy. Thế nhưng ông ta dùng đùi và tay kẹp chặt tôi lại và tiếp tục rờ mó! Tôi vừa sợ vừa xấu hổ, còn ông ta vừa giở trò vừa thủ thỉ vào tai tôi là phải giữ bí mật chuyện này, nếu không là tôi phạm tội trọng!

Tôi chỉ được thoát ra khi có người lớn từ dưới bếp đi lên. Trong ký ức mịt mờ, tôi nhớ mình bị cưỡng ép như vậy 2 lần. Lần thứ 3 khi ông đến nhà chơi, tôi chạy lên lầu trốn và nhất định không xuống dùng cơm.

Sau này, mỗi lần ông đến chơi, tôi lại dẫn em gái tôi đi trốn. Có lần tôi đã thử dọ dẫm nói với Má tôi rằng ông ấy là người không tốt nhưng bà gạt đi ngay. Bà không tin tôi và cho rằng tôi chuyên bịa đặt. Từ đó tôi im luôn và đem theo nỗi ấm ức này đến khi tôi trở thành thiếu nữ dậy thì. Cùng với nỗi ấm ức khi xưa là nỗi sợ đàn ông tồn tại song song trong tôi.

Tôi căm ghét ông thầy tu và “anh học sinh lớn” khi xưa. Tôi không bao giờ quên được khuôn mặt họ. Định mệnh trớ trêu, năm cuối Cấp 2, tôi gặp lại hắn, “anh học sinh lớn” nay đã quay về trường cũ làm giáo viên thể dục. Khi phải giáp mặt và gọi hắn bằng Thầy Trung, tôi đã ngất xỉu vì quá kinh hãi.

Những ám ảnh này đã làm tổn thương cuộc sống hôn nhân của tôi, làm tôi trở nên khép kín, không dám nói tâm sự của mình cho bất cứ ai. Má tôi đã làm tôi tin rằng tôi mới chính là người bệnh hoạn và dối trá, chuyên dựng chuyện. Rất may là các bác sỹ đã giúp tôi thoát khỏi nỗi ám ảnh này, chỉ có điều là hơi trễ cho một đời người.

Các con tôi thường khuyến khích tôi mở lòng ra, chúng bảo tôi rằng Mẹ cứ nói hết những gì có trong lòng, đừng giữ mãi cho riêng mình. Bác sỹ cũng khuyên rằng nếu không thể nói thì cô hãy viết ra cho nhẹ lòng. Đây là lần đầu tiên tôi cố gắng viết ra tâm sự, như là một cách giải phóng cho chính bản thân. Rồi tôi cũng sẽ nói cho các con hiểu về tôi hơn.

Sẽ không thừa khi tôi xin phép nhắc lại lần nữa: ĐỪNG bao giờ từ chối lắng nghe con trẻ bằng câu nói “Đi chỗ khác chơi, Mẹ đang bận” và cũng ĐỪNG bao giờ tin tưởng hoàn toàn vào người khác khi giao con bạn cho họ!

2 thoughts on “Đi Chỗ Khác Chơi!

Bình luận về bài viết này