Tết xưa, thưở còn Mẹ Cha!

Tết thường là vui, ai cũng tíu ta tíu tít chuẩn bị cho Tết. Quá nửa đời người, tôi ngẫm lại, Tết vui nhất là lúc còn Mẹ Cha.

Năm 1972, gia đình tôi chạy loạn từ Miền Trung về Sài gòn. Trải qua vài đận ở trọ thì dọn về một căn nhà nhỏ xíu ở đường Trương Minh Giảng, Quận 3. Con hẻm 491 là ranh giới giữa Quận 3 và Quận Phú Nhuận. Dân trong hẻm 491 và các ngõ lân cận hầu hết là người làng Nấp, quê quán Ý Yên, Nam Định, di cư vào Nam từ năm 1954. Vì ở cùng người làng nên khi đi học về, tôi thường cúi chào từ đầu đến cuối hẻm.

Thưở Cha Mẹ chúng tôi còn đầy đủ, mỗi người phân chia nhau một nhiệm vụ khi Tết đến. Người Bắc có tập tục “đi Tết” các bậc trưởng thượng. Má tôi sẽ ngồi tính toán xem sẽ biếu các Ông Bà, Cậu Dì của hai bên những gì. Nhà nghèo, việc biếu xén này sẽ là vấn đề nan giải. Phần đi biếu là của đám con. Khi đến nhà các vị trưởng bối, chúnng tôi sẽ nói: “Năm mới sắp đến, Ba Má cháu gửi biếu Ông Bà….” Hồi còn đi xe đạp, chạy giáp vòng bà con ở Sài gòn bở hơi tai.

Sáng Mùng 1, sau khi đi lễ nhà thờ về, con cái chúc tuổi Ba Má xong thì Cha Mẹ tôi tách ra, mỗi người một phận sự. Ba tôi sẽ đi chúc Tết từng nhà bà con và chòm xóm. Còn Má tôi sẽ ngồi nhà để tiếp các….ông họ hàng hoặc hàng xóm trong khi Ba tôi sẽ đi chúc tuổi vợ mấy ổng 🙂 Đùa thôi, khi còn đủ cặp thì sẽ phân chia như vầy: đàn ông đi chúc Tết, đàn bà ở nhà tiếp khách. Hầu như nhà lúc nào cũng mở cửa để tiếp khách đến chơi ngày Tết.

Mấy anh chị em tôi sẽ cùng nhau đi bộ sang hẻm 491 chúc Tết bà con. Họ hàng ở liền liền nhau, thế nên vừa rời nhà này là sang tới nhà kia. Đi ngoài hẻm sẽ gặp những gia đình bà con khác cũng đi chúc Tết, mọi người í ới, tay bắt mặt mừng chào hỏi nhau năm mới dù vẫn gặp nhau hàng ngày. Tết đến, khoác tấm áo mới, ai cũng mang tâm trạng mới để chào người cũ. Vui đáo để.

Chúc Tết xong bà con ở hẻm 491, chúng tôi lên xe thăm Cậu và Dì bên khu Ông Tạ. Anh chị em tôi đi chúc Tết nhưng bao giờ cũng cắt cử một người ở nhà để phụ Má tiếp khách. Phụ là rót trà, tiếp bánh mứt, xếp bao lì xì cho Má. Sang Mùng 2 thì mấy chị em gái xúm vào phụ Má làm cơm đãi khách.

Mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi Ba yếu đi rồi mất. Má đóng luôn cả vai của chồng nên cũng có phần chệch choạc. Má kêu con cái chở qua nhà vài người bà con chứ không đi đủ qua cả Xóm Mới (Gò Vấp), Bà Quẹo (Tân Bình) đến Bình An (Quận 8 ).

Rồi Má mất, căn nhà không còn là chỗ nhất định phải tạt qua mỗi ngày nữa. Mùi Tết cũng chẳng còn nơi ấy. Nhớ hoài những ngày Ba đi chúc Tết, Má ở nhà tiếp khách thuở xưa!

Bình luận về bài viết này