Lỗi tại Vợ chồng Lỗ Ban!

Dù được trang trí ở tiểu đảo nơi Đại sảnh Sofitel Phnom Penh

Dù được trang trí ở tiểu đảo nơi Đại sảnh Sofitel Phnom Penh

Hôm rồi đi Phnom Penh, tôi ở trọ Sofitel vài ngày. Từ phi trường về tới khách sạn, đang chóa mắt vì cái nắng chói chang bên ngoài, tôi bước vội vào Đại sảnh và mắt như hoa lên khi bắt gặp vô số những chiếc dù to nhỏ, lớn bé, đủ màu sắc bày la liệt khắp nơi trong sảnh, thậm chí có những chiếc còn “nhảy dù” từ trần nhà tít trên cao xuống. Nói chung là nhìn vui mắt và rất đẹp.

Tấm biển nơi tiểu đảo nói về nguồn gốc chiếc dù

Tấm biển nơi tiểu đảo nói về nguồn gốc chiếc dù

Dù thì tôi thấy từ hồi còn bé và chưa bao giờ mảy may đặt ra câu hỏi xem loài người đã bắt đầu sử dụng loại công cụ để che nắng che mưa này từ khi nào và ai đã khám phá ra nó. Chỉ tới khi có thời gian rảnh, lang thang ngắm những chiếc dù ở Đại sảnh tôi mới biết câu trả lời cho hai câu hỏi trên. Người trang trí cho Sofitel đã khéo léo đặt một tấm biển nhỏ giữa mấy chiếc dù nơi tiểu đảo tại trung tâm Đại sảnh, trên đó có kể nguồn gốc chiếc dù là do Lỗ Ban làm cho Bà Yun, vợ ông để tránh nước mưa làm hỏng phần cơm bà mang đến chỗ làm cho ông hàng ngày và Sofitel chọn những chiếc dù để làm chủ đề trang trí Đại sảnh nhân dịp Tết cổ truyền của người Hoa.

IMG01471-20140614-0930The umbrella was invented in China and dates back at least 3,000 years. There are so many popular legends of which the most widely circulated is that speaking of Luban. According to the legend, the umbrella was invented by the wife of Luban. Yun, very caring and concerned for her husband who worked so hard. The story tells that the daily meals provided by Luban’s wife were often spoiled by rain. Inspired by children using lotus leaves to shelter from the rain, he invented the first folding umbrella manufacturing a structure covered with fabric. On the occasion of the Chinese New Year, the Sofitel Phnom Penh Phokethra has decorated the lobby with these colorful umbrellas.
Chiếc dù được sáng chế ở Trung quốc cách đây ít nhất 3.000 năm trước. Có rất nhiều truyền thuyết phổ biến về  chiếc dù, trong đó, câu chuyện về Lỗ Ban được truyền tụng rộng rãi. Theo truyền thuyết, chiếc dù là phát minh của bà Yun, vợ Lỗ Ban. Bà là người rất quan tâm và hay chăm sóc người chồng quá chuyên tâm vào công việc của mình. Truyện kể rằng, những bữa cơm bà đem cho ông thường bị hỏng vì trời mưa. Lấy ý tưởng từ việc trẻ em thường dùng lá sen che mưa, ông đã sáng chế ra chiếc dù gập lại được đầu tiên, tạo nên bởi một khung sườn có phủ vải. Nhân dịp Tết cổ truyền Trung hoa, Sofitel Phnom Penh Phokethra trang hoàng Đại sảnh bằng những chiếc dù đầy màu sắc rực rỡ.

 

Nụ cười Kh'mer duyên dáng của em gái tiếp tân trong trang phục truyền thống

Nụ cười Kh’mer duyên dáng của em gái tiếp tân trong trang phục truyền thống

Hồi trước, tôi chỉ biết Lỗ Ban qua “Thước Lỗ Ban” mỗi khi làm nhà. Thường thì Kiến trúc sư hay bảo tôi chọn kích thước cửa sao cho tránh bị rớt vào những cung xấu như bệnh và tử. Tôi chịu thua khi xem qua cái bảng Lỗ Ban đó vì được chỗ này thì mất chỗ kia, có khi chọn xong thì tỉ lệ dài/rộng của cửa xấu hoắc, rồi đã chắc gì thợ thi công đúng kích thước đó. Giờ tìm hiểu thì tôi mới biết Lỗ Ban, người nước Lỗ, là một bậc thầy vĩ đại về kiến trúc và nghề thủ công. Lỗ Ban đã ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người, và công cụ của ông vẫn còn được sử dụng ngay cả đến ngày hôm nay. Tương truyền, ông đã sáng chế ra rất nhiều công cụ kỳ diệu. Theo tôi, có lẽ chiếc dù mà ông làm cho vợ chính là kiệt tác của ông vì có mấy người được như ông, biết nghĩ đến người vợ dầm mưa đưa bữa cơm cho mình đâu. Thì đó, đời thiếu gì những bậc đại trượng phu, ra ngoài đánh đông dẹp bắc, nhưng điều duy nhất trong đời họ làm cho vợ chỉ là “tôi giặt cho bà, cái áo của tôi” đúng vào ngày 8/3 mà thôi.

Dù lơ lửng trên trần Đại sảnh

Dù lơ lửng trên trần Đại sảnh

Trong cuộc sống hàng ngày, tôi thấy nhiều lúc người ta lại dùng chiếc dù không giống với công năng của nó như thoạt kỳ thủy ông Lỗ Ban đã ấn định cho công cụ này. Có khi trời chẳng mưa cũng chẳng nắng, người ta cũng giương dù lên che chắn. Thường thì những chiếc dù loại này không phải ai cũng có. Tôi chỉ biết về chủ nhân của chiếc dù khi có ai đó thì thầm chỉ trỏ sau lưng người khác: “thằng đó/nhỏ đó/lão đó/mụ đó có dù bự lắm”. Khi “có dù” thì người ta chẳng còn phải sợ ai, họ có thể làm đủ mọi thứ  sai trái và có thể thoát hiểm khi nhá nhá tên của “chiếc dù” ra.

Nhưng đời mà, chẳng có gì là trường tồn vĩnh viễn với thời gian. Khi “chiếc dù” mục, thì đứa “có dù” lại trần đầu như ai thôi. Có khổ chăng là những phó thường dân như tôi, mỗi khi có “chiếc dù” mới ra đời, lại phải loay hoay tìm cách chịu đựng sự trái khoáy của những đứa “có dù”. Lỗi cũng tại Lỗ Ban và bà vợ mà ra!

Dù tràn ngập Đại sảnh

Dù tràn ngập Đại sảnh

Dù lấp ló sau những chai rượu ở Le Bar

Dù lấp ló sau những chai rượu ở Le Bar

Dù thấp thoáng ẩn hiện trên tấm mành chắn nắng

Dù thấp thoáng ẩn hiện trên tấm mành chắn nắng

Tranh thủ làm một tấm ảnh để khoe mình cũng "có dù"

Tranh thủ làm một tấm ảnh để khoe mình cũng “có dù”

 

26 thoughts on “Lỗi tại Vợ chồng Lỗ Ban!

  1. Dù này thì tao cũng có một mớ…. mặc dù không treo lơ lửng hay mở to (vì chật hết chổ). Tao quí mấy chiếc dù này lắm. Vì mua ở bên này nên ít dù đẹp. Đi đâu tao cũng tìm mua dù cho mấy “bé” nhà tao. Cái dù phần cuối có vẻ hay hay à mày. Biết ở đâu bán, chỉ tao mua với….

    • Hi hi, cách bán loại dù này lạ lắm. Thông thường, mày phải chọn cửa sinh. Đúng nơi đúng chỗ thì tự khắc cha mẹ đã trở thành dù có thương hiệu. Còn không thì phải mua dù thông qua các mối quan hệ như “mẹ kế của chị dâu cha dượng đứa bạn học hồi mẫu giáo…”

      Nhưng thôi, quên cái vụ dù này đi để tối ngủ cho yên giấc mày ạ.

  2. Kho nhi. Cu cam chiu mai sao? No co du thi minh cung kiem cai O roi so gang thu di co chu.
    Nhung nho phai tap chay bo that tot de phong khi bi thua con giu duoc nguyen manh (one piece) 🙂

  3. Dù, hay quạt, mang theo khi đi hẹn hò cũng có lợi lắm a bác 🙂 nhất là những lúc mình cần một phút “riêng tư” 🙂

  4. Nghe nói lần trượt chân té, ổng chụp vô dây leo gì đó có gai, bị cắt trầy tay, ổng theo đó mà chế ra lưỡi cưa nữa.
    Ở Vn, em nhớ hình như tổ thợ mộc, thợ may đều là ông này.
    Ở Châu Á, mấy nhà quân sự, nhà bác học cổ hay được thần thánh hóa, ko biết bên Tây có vậy ko chị?

  5. Mà hỏi nhỏ chị chủ nhà: chị “có dù” mà loại dù nào? khì khì khì 😉 😉 :p :p Đừng “mang dù” ra hù em nha. Em sợ, chết khiếp á! 🙂 🙂

    Á, tội nghiệp dù đã bị người ta dùng làm việc che chắn những điều không phải phép quá nha!

    Cúng cuồi ….ủa lộn, cuối cùng thì em thích tấm hình “có dù” cuối cùng nhất thôi à!

  6. Nhân chuyện ô dù, xin được méo mó qua chuyện ngôn ngữ một chút.

    Trong tiếng Việt mình, nghĩa đen hay nghĩa bóng cũng chung một chữ . Trong tiếng Anh, lại là hai chữ khác nhau. theo nghĩa đen, là umbrella, như SUV đã dẫn. Còn theo nghĩa bóng, như SUV đã than là không có cái nào, là parachute, hay đầy đủ hơn golden parachute (cánh dù bằng vàng), giống như là của người lính nhảy dù, cánh dù ôm kín đời anh … (nhạc Trần Thiện Thanh). Như vậy, trong tiếng Anh, có ô dù coi như là tương đương với khả năng hạ cánh an toàn. Lạ nhỉ, trong tiếng Anh lại tìm ra nghĩa tiếng Việt! 🙂

    • Cám ơn Thầy Thông đã chỉ giúp một từ. Đúng là đôi khi mình học được tiếng Việt từ một ngoại ngữ. Từ nhỏ SUV cứ ê a đọc kinh Lạy Cha nhưng không hiểu nghĩa lắm. Mãi đến năm 1999, SUV ra Hà nội làm việc và tham gia một Ca đoàn hát thánh lễ cho người nước ngoài và được nghe bản Tiếng Anh của Kinh Lạy Cha. Thế là “từ ấy trong tôi bừng nắng hạ”, hiểu ra mỗi ngày trước khi ăn cơm và trong bữa kinh sáng tối, mình đọc cái gì 🙂

      • Lỗi do cha mẹ, sơ thầy, cha cố … đó SUV. Dạy trẻ đọc như vẹt mà có bao giờ giảng giải lời hay, ý đẹp cho chúng, hoặc ý nghĩa của chuyện đọc kinh, cầu nguyện. Cùng một cách nhồi sọ như chuyện đọc cửu chương, hoặc năm điều của cụ tiên chỉ làng Vũ đại. Đến khi đụng bản văn tiếng ngoại quốc thì mình buộc phải tìm hiểu, đối chứng nên mới rõ hơn.

        Cô chủ ngoan đạo nhỉ! Cả trước khi ăn cơm và trong bữa kinh sáng tối. Thongreo chỉ mong mình được 1/3 của SUV thôi! 🙂

        • Vụ đọc kinh sáng tối thì gom vầy cho nó tiện nè Bác Thông: sáng dắt xe ra khỏi nhà đi làm, vừa đề máy lên là bắt đầu đọc kinh, thường thì đến chỗ làm cũng xong được chục kinh. Chiều về cũng vậy. Hôm nào không bước chân ra khỏi nhà thì có khả năng Chúa bị SUV bỏ qua hai cữ sáng tối này 🙂

Gửi phản hồi cho Bảo Ngọc Hủy trả lời