Khi Thiên thần phải xếp hàng

IMG00428-20131130-2011 Trước khi đi công tác, Sếp kêu tôi vào, chìa 2 tấm vé của Charity Gala 2013 do Viện Tim Mạch và CMI (Centre Medical International) tổ chức vào tối Thứ Bảy, 30/11/2013 cho tôi. Sếp tần ngần bảo rằng ông rất muốn tham dự sự kiện này nhưng kẹt rồi, ông muốn tôi đại diện đi vì Công ty cũng có đóng góp chút đỉnh vào Quỹ. Dù hôm sau bị đi công tác bất ngờ, tôi vẫn vui vẻ nhận lời ngay vì tôi đã được nghe qua danh tiếng của Viện Tim Mạch cũng như những đóng góp của CMI trong việc phẩu thuật tim miễn phí cho bệnh nhi nghèo.

Tôi quan tâm đến hoạt động từ thiện của hai tổ chức này vì tôi biết sự đóng góp của mọi người cho họ sẽ cứu được rất nhiều sinh mạng. Còn nhớ cách đây khoảng 6 năm, dịp giáp Tết, tôi được tin một em khách hàng ở dưới Biên Hòa, vừa sinh bé gái được 2 tháng thì phải đưa lên Viện Tim TP. HCM chữa bệnh. Vợ chồng em cao ráo đẹp đẽ, nên con bé mới hai tháng đã dài đòn và rất sáng sủa. Vào thăm bé ở Viện Tim, tôi không khỏi xót xa khi thấy Thiên thần bé nhỏ ấy xanh tái thoi thóp thở. Biết tình hình không sáng sủa, nhưng tôi vẫn không khỏi bất ngờ khi vài ngày sau đó em báo: “Chị ơi, em cho cháu về trước Tết, để cháu đi ở nhà cho ấm áp”.

Không cứu được chỉ vì không sắp lịch để mổ cho bé được do trước bé còn rất nhiều trường hợp tương tự đang sắp hàng. Sao mà tôi ghét cái từ sắp hàng đến thế, Thiên thần ấy phải sắp hàng để được sống, nhưng bé không có thời gian để đợi.

Vé được chỉ định vào bàn "Minh"

Vé được chỉ định vào bàn “Minh”

Gala được tổ chức chu đáo và bài bản như là một cách thiết thực để tỏ lòng tri ân những mạnh thường quân, đồng thời cũng là một dịp để…. “dụ khị” mọi người đóng góp thêm cho Quỹ bằng cách bán đấu giá những món quà đặc biệt. Tại bàn đón khách, cuống vé của tôi được dán nhãn “Minh” và được dặn vào bàn “Minh” ngồi, tôi gật đầu dù không hiểu lắm ý nghĩa của lời dặn. Khi tôi đến Phòng Tiếp Tân, đã có lác đác vài người đến sớm xem các món quà sẽ được đấu giá: cây vợt của một vận động viên nổi tiếng thế giới, bộ trang sức của một Công ty Pháp tại Việt Nam, bức tranh sơn mài vẽ Vua Dục Đức, Vua Khải Định, v.v. 

Tới giờ khai mạc, ngồi vào bàn “Minh”, có dịp đọc kỹ tấm biển tôi mới hiểu “Minh” là ai và tại sao mình lại được sắp ngồi vào đó. Tấm biển cho tôi biết rằng Minh là một bé 3 tuổi, em đã được phẩu thuật (tim) hôm 24/08/2013. Thế đấy, mỗi một sự đóng góp sẽ giúp cho một bệnh nhi vẫn có thể là Thiên thần ngay tại thế gian này chứ không nhất thiết phải lên thiên đàng.

IMG00414-20131130-1900Ngồi cùng bàn với tôi là nhóm các anh chị thuộc Hãng dược Gedeon Richter của Hungary. Cô Eva của Hãng tỏ ra rất hào hứng với Sự kiện này. Cô vui vẻ khoe với tôi rằng cô đã hỏi thăm và được biết Cộng đồng người Pháp ở Việt Nam chỉ khoảng vài ngàn người (?) nhưng hoạt động rất hiệu quả trong nhiều lĩnh vực. Cô nói thế vì Viện Tim TP. HCM và CMI có liên quan mật thiết đến người Pháp và có một người Pháp đặc biệt đã cùng với Cố Giáo sư Dương Quang Trung thành lập ra Viện Tim TP. HCM. từ năm 1992, đó là Giáo sư Alain Carpentier.

Trong phần khai mạc, có một đoạn clip ngắn giới thiệu về vị Giáo sư này, tôi nghe tiếng được tiếng mất. Khi ngồi gõ những dòng chữ này, tôi lại lang thang đi tìm hiểu về Ông và Viện Tim. Kết quả là tôi thấy có một tin về việc Viện Tim đang gặp khó khăn và một tin khác rằng vào ngày 13/11/2013, Giáo sư Carpentier đã đích thân đi gặp Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Hoàng Quân (thuộc bộ tứ Hải Quân Đua Tài (*) ) đề nghị Lãnh đạo Thành phố giúp Viện tháo gỡ những khó khăn của Viện này. Những khó khăn và hướng giải quyết chúng được vị Giáo sư nêu lên rất cụ thể, trong đó có vấn đề nhập khẩu thuốc đặc trị mà VN không thể sản xuất.

Đọc tới câu trả lời của vị chủ tịt, tự nhiên tôi bắt rùng mình tới năm sáu lần, nó như này này: Ông Quân đã giao Sở Y tế lập danh sách các loại thuốc đặc trị mà Viện tim cần. “Chúng tôi cũng muốn có thuốc để điều trị cho bệnh nhân, nhưng mọi chuyện cần phải rõ ràng”, ông Quân nhấn mạnh. Cha mẹ ơi, chưa bao giờ tôi thấy cái chữ rõ ràng nó lại mù mờ như thế này! Rùng mình xong tự nhiên tôi lại thấy xấu hổ, vấn đề của đất nước mình mà sao lại để cho “người ngoài” phải xắn tay áo lên thế này. Chắc rồi tôi cũng phải đi tìm đến BS Cát Tường, nhờ cắt giùm cái sợi thần kinh “quê” giùm tôi, sống ở đây mà bày đặt xấu hổ với mắc cỡ, khùng!

Thôi, không thèm bàn đến các đấng ở trên cao ấy nữa, tôi quay trở lại với buổi tiệc. Hôm đó, nhờ…nhiều chuyện mà tôi bắt chuyện với một chị có vẻ giản dị (tại vậy tôi mới làm quen chớ), chị tự giới thiệu tên Phương và làm ở Viện Tim. Tôi hỏi chị đủ thứ về bệnh tim và cũng giới thiệu về Công ty mình, ngành nghề hai chúng tôi chẳng có chút dính líu liên quan. Khi chia tay trước lúc vào tiệc, tôi và chị còn hẹn hò sẽ giữ liên lạc để người này còn có thể biết thêm về “thế giới ngoài chuyên môn” từ người kia. Mãi cho tới khi chị và tôi trao đổi danh thiếp thì tôi mới biết chị là… Giám đốc Viện Tim. Phần khai mạc, chị có lên phát biểu bằng Tiếng Pháp. Tôi nể chị gì đâu vì chị phát biểu tự tin và trôi chảy, không cần cầm giấy như “các bác ấy”. Tôi nghe nói rất nhiều Bác sỹ  ở Viện Tim đã từng tu nghiệp từ bên Pháp về.  Tiếng Pháp của tôi đã rơi rụng hết lâu lâu nghe được một chữ nào đó thì mừng húm.

Tôi còn nhớ đã được đọc một câu chuyện cười thế này: một bà mẹ hỏi cậu con trai rằng khi lớn lên, cậu bé mong muốn sẽ làm nghề gì. Cậu trả lời ngay là con sẽ làm từ thiện. Bà mẹ mừng lắm vì con mình còn bé mà đã có tấm lòng nhân ái, để chắc ăn bà hỏi cậu con lý do cậu chọn công việc ấy. Cậu bé ngây thơ trả lời: “Con thấy mấy người làm từ thiện, ai cũng giàu”. Bà mẹ á khẩu! Tôi không biết cái sự giàu ấy có trước hay có sau khi làm tự thiện, thắc mắc vậy, nhưng tôi cũng chẳng dám hỏi ai vì chỉ sợ rơi vào cái vòng luẩn quẩn của trái trứng và con gà.

Chụp hình với "Minh" để về báo cáo Sếp

Chụp hình với “Minh” để về báo cáo Sếp

Khi CMI liên lạc với Sếp để mời đóng góp cho Quỹ, Ông đồng ý giúp ngay. Tôi hoàn toàn tán thành quyết định đó vì tôi có nghe CMI quản lý Quỹ rất tốt và minh bạch. Tôi lại phải nhại định luật Bảo toàn Năng lượng thế này: “Lòng tốt chẳng tự nhiên mất đi, mà nó cần phải được chuyển ở dạng tiền tệ từ túi của người có lòng sang đúng nơi cần giúp”. Nghe hơi khiên cưỡng, nhưng thôi kệ đi, tôi vừa đi công tác về lúc 9pm mà cứ ám ảnh phải viết về Charity Gala 2013 của Viện Tim và CMI, thế là thức tới 2am của ngày hôm sau nên cập kênh vậy đó. Thôi thì Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng, còn để làm gì thì mỗi người tự trả lời lấy nha, tôi không tài lanh trả lời giùm ai đó đâu.

———

Tin mới nhất về một thành tựu y khoa thế giới có sự đóng góp của Giáo sư  Alain Carpentier: ngày 18/12/2013, Pháp đã thành công trong việc ghép tim nhân tạo tự động. Những trái tim nhân tạo này hàng năm có thể giúp cứu sống hàng chục ngàn bệnh nhân mà không bị phản ứng thải loại của cơ thể.

———-

(*) Tên ghép của các vị chức sắc đứng đầu TP: Nguyễn Thanh Hải, Trần Hoàng Quân, Nguyễn Văn Đua, Nguyễn Thành Tài

27 thoughts on “Khi Thiên thần phải xếp hàng

  1. Bài viết rất hay Uyển Vy. Đọc xong rồi muốn làm một điều gì đó có ích hơn cho xã hội và những người kém may mắn. Cám ơn Vy đã chia xẻ những suy nghĩ và cảm nhận.

  2. Bóc tem hen Vy! 🙂 Bài viết rất cảm động. Thương thay những em bé còn nhỏ mà đã bị bệnh này. Hy vọng viện sẽ không gặp nhiều khó khăn trong vấn đề thủ tục tại Việt Nam.

    • Tao nhớ thời của tụi mình sao ít có bệnh này. Đứa nào đứa nấy roi roi nhưng mạnh khỏe. Còn bây giờ….
      Khó khăn của Viện Tim thì cũng đã gần một năm rồi chứ đâu phải mới đây. Tao chỉ thấy xấu hổ là việc trong nhà mà phải để cho người ngoài lo giùm, đã vậy còn làm khó dễ, chán!

      • Chị Saigonese ơi, hổng phải thời xưa ít người bị bệnh tim hơn bây giờ đâu mà những em bé bị bệnh tim thời đó gần như “ra đi” trong lặng lẽ và nhanh chóng. Bây giờ nhiều điều kiện kinh tế và kỹ thuật để cứu hơn nên thấy trẻ bị bệnh tim có vẻ nhiều hơn.

        Đọc bài của chị rất cảm động. Em cũng rất đau lòng khi thấy trẻ con Việt Nam chịu nhiều thiệt thòi như vậy.

        Có đợt em đi thực tập ở bệnh viện nhi ở Mỹ (Children’s National Medical Center) thấy họ chăm sóc trẻ con mà lặng hết cả người. Cũng là 1 sinh mạng mà trẻ con Mỹ được đối xử trên cả tưởng tượng của em. Chẳng bao giờ có chuyện xếp hàng để chờ mổ nếu đó là mổ cấp cứu, mổ để duy trì cuộc sống.

        Để hôm nào rãnh, sẽ kể chị nghe chuyện những trẻ sơ sinh thiếu tháng được chăm sóc như thế nào.

        Chúc chị vui, hạnh phúc.

        • Thảo nói có lý. Hồi xưa nhìn quanh quẩn chẳng thấy có người bạn nào bệnh tim cả, có lẻ bệnh mà không biết hoặc khi mất mà cũng chẳng biết là do bệnh đó.

          Việc bệnh nhân ở VN không được đối xử tốt là chuyện dài, chỉ mong sao mình đừng phải bước chân vào BV thôi Thảo ạ. Cám ơn Thảo đã ghé thăm “nhà”.

  3. Không cần phải giàu mới làm từ thiện được. Mỗi người chỉ cần có lòng trắc ẩn thì tự nhiên cái xã hội bé nhỏ của chúng ta sẽ tốt đẹp hơn lơn. Còn cái cục “Hải Quân Đua Tài” gì đó có nên cho ra biển đón bão không nữa???????

    • Anh ơi, bốn chữ đó không phải là một Cục trong những cục lều bều kia đầu. Nó là tên ghép của các vị chức sắc đứng đầu TP là Nguyễn Thanh Hải, Trần Hoàng Quân, Nguyễn Văn Đua, Nguyễn Thành Tài. Em mới phải cho cái ghi chú đó xuống dưới bài để những người đi xa như anh hiểu được.

      • Ai chả biết tứ đại …… này. Cũng nên cho ra biển để Haiyan dập một trận cho biết mùi. Anh khoái cái từ “lều bều” của em. Vậy từ trước tới giờ nhà nước ta toàn là những Cục lều bều.

  4. Tự dưng giờ lại ghiền đọc bài viết của Vy mới chết chứ. Mong Vy cứ phát huy tài năng của mình để truyền tải những thông điệp đến với mọi người rằng xã hội cần lắm những tấm lòng và không đâu phải tấm lòng vàng, chỉ đơn giản tấm lòng là được rồi.

  5. Mỗi con người chúng ta đều có một cái tâm, nhìn nhận vấn đề theo cái tâm ai chúng ta cũng thấy điều phải làm nhưng thật sự ta làm được quá ít hay hầu như không làm được gì!Đợt này em gái mình làm ở khoa Tim mạch Viện nhi Hà nội cũng có vào học và dự Gala, nó bị coi là 1 bác sĩ chứng tính vì không nhận phong bì, thân nhân bệnh nhi tới nhà cho quà nó từ chối nhận và hậu quả là nó bị cách ly! thường xuyên bị giao những ca khó nhưng cũng nhờ vậy mà tay nghề lên rất nhanh !Bản thân chúng ta hay thấy được những thiếu sót của xã hội, nhưng chúng ta cũng lại là 1 tế bào tạo nên cái xã hội đó, trong chúng ta hầu hết khi đụng chuyện đều tìm đến mọi mối quan hệ ,vào BV thì kiếm BS quen,giấy tờ nhà cửa xe cộ vướng thì cũng cố tìm người quen biết để công việc được chạy nhanh hơn đỡ mất thời gian hơn….Chính chúng ta cũng góp phần tạo nên 1 Xã hội tiền là tất cả cái Tâm cái Tấm lòng tự nhiên lại trở nên lẻ loi, hiếm hoi, cái làm từ thiện cũng bị soi mói …Nói cho cùng như bạn Anh Thư nói chỉ đơn giản tấm lòng là được

    • Tui phản đối nha bạn Dzịt bầu, bạn nói cứ như thể một GS Tâm lý học đã phán rằng Ông Chấn bị tù oan 10 năm có phần lỗi tại ổng, ai biểu ổng nhận tội mần chi. Tui thề, phải tay tui thì chắc tui nhận ngay sau khi ăn cái đạp đầu tiên, tại tui sợ đau mà.
      Tui vẫn còn nhớ kỷ niệm hôm chăm bà chị vừa mổ ra. Tui đã nhét tiền vào túi của một người khiêng cáng khi họ đưa chị tui từ phòng hồi sức ra. Cái ngu của tui là cáng có 2 người khiêng, mà tui chỉ nhét tiền vào túi của 1 người vì nghĩ rằng họ sẽ chia nhau. Thế là chị tui bị hất từ trên cáng lên giường cái rầm 😦 Muốn có cái váy sạch mặc để tránh bị nhiễm trùng hả? Tiền đây! Vậy đó, dù không ngu, tui vẫn cứ phải nhét tiền khi đến những chỗ thế ấy bởi vì tui và người thân chỉ có một cái mạng mà thôi.
      Dzịt bầu và Anh Thư ơi, tấm lòng không chưa đủ đâu. Phải biết cả phản kháng nữa để những bàn tay kia phải biết xấu hổ vì đồng tiền đó bẩn lắm!

      • Mèn ơi, đọc cái đoạn trả lời này mới biết Vy cũng có tính “phản kháng” mạnh mẽ đó nha, hồi nào giờ cứ nghĩ khác không à,
        Vy viết tiếp về cái Viện Tim và CMI này đi …

        • Vy biết có nhiêu đó nên nói có vậy thôi Anh Thành ạ. Nói bi nhiêu cũng đã là lộn sân rồi đó 🙂 Còn cái tính phản kháng thì nó nằm sẵn trong máu rồi, chỉ có điều nó dùng cái bề ngoài “dễ bảo” để lừa mọi người đó mà.

  6. Pingback: Uyển Vi “xếp gạch” cho Thiên thần | Hiệu Minh Blog

  7. Cảm ơn Saigonese – SUV .
    Tôi có loáng thoáng biết SUV qua blog HM , cũng đọc các còm của SUV nhưng nói thật là không có nhiều ấn tựơng về SUV. Cũng loáng thoáng nghĩ SUV là nữ ,nhưng ko ngờ cháu quá trẻ nhưng lại có suy nghĩ và tấm lòng rất già dặn ,bao dung cuộc đời .
    Tôi rất tâm tư về đất mẹ nhưng lại vô dụng không làm gì cho đất mẹ ,cho ngừơi Việt cùng dòng máu .Dù rằng ứơc muốn rất nhiều nhưng đành bẩt lực ,khi mà xã hội môi trừơng này tan nát . Tôi rất chán nản khi nhìn về lớp trẻ hiện nay , lớp già như chúng tôi xem ra cũng ko khá hơn là bao khi có quá nhiều ngừơi chỉ biết làm sao thu vén càng nhiều càng tốt bất chấp phương tiện . Nhưng khi đọc bài của SUV thì cho tôi niềm tin về thế hệ trẻ nứơc nhà , dẫu biết rằng những bạn trẻ có tấm lòng như SUV ko nhiều .Đám cháy nào cũng bắt đầu bùng lên từ những đóm lửa nhỏ nhoi ,hy vọng rằng những đóm lửa của tấm lòng bao dung , những đóm lửa của tri thức và tình ngừơi sẽ bùng lên lấn áp những bóng tối của lòng nhỏ nhen ,ích kỷ và độc ác trên đất nứơc này 1 ngày không xa.
    Cảm ơn SUV cho tôi hy vọng về thế hệ trẻ VN , và 1 ngày ko xa sẽ làm rạng danh đất nứơc này ,một đất nứơc của dân tộc Việt Nam với những giá trị nhân bản và tri thức mà Singapore của ông Lý Quang Diệu thầm ao ứơc .

    • Thưa Bác, thực ra thì SUV không còn nằm trong nhóm người được gọi là lớp trẻ nữa nên trong chừng mực nào đó SUV rất đồng cảm với Bác về việc lớp trẻ bây giờ không đáp ứng được kỳ vọng của bậc đàn anh.

      Bạn bè cùng lứa với SUV (cuối thập niên 60, đầu 70), nhiều người rất có tâm huyết, nhưng các bạn ít khi thổ lộ suy nghĩ thành lời. Khi đi làm, SUV cũng không hài lòng với lớp đàn em vì các em rất hời hợt và thờ ơ với cuộc sống quanh mình. Đôi lúc SUV giật mình chạnh nghĩ: “Có khi nào các Cô Chú, Anh Chị đi trước cũng đã từng cảm thấy thất vọng như thế về mình?” Buồn thay, lớp tuổi của SUV chưa đủ sức để làm các bậc Cha Chú cảm thấy thất vọng nhiều như khi nhìn vào lứa tuổi 20, 30 ngày nay. Có vẻ như chúng ta đang hỏng ngay từ trong cách giáo dục của gia đình.

  8. Bài viết của Uyển Vy nhẹ nhàng mà tác động vào lòng người đọc rất nạnh , tôi mới lần đầu tiên vào đây và đọc được bài của Uyển Vy nói về sự gíup đỡ những trẻ em bị bịnh tim ở nước Việt Nam mình , nhưng có nhiều sự việc tưởng chừng như không có thể xảy ra nơi nào khác ngoài Việt Nam . Ôi ! Hải Quân Đua Tài !
    Đọc xong bài viết của Uyển Vy tôi thấy mình cũng như bị đau tim

  9. Chị à, theo thiển ý của em, các vấn đề trên đầu xuất phát từ cái NGHÈO. Nghèo mới cần từ thiện, nghèo mới chịu cho bọn gian tham cai trị và nghèo mới phải “xếp hàng” dù là thiên thần…?!!
    Ngay cả vấn đề ‘giàu nên làm từ thiện’ và ‘làm từ thiện nên giàu’ cũng từ cái nghèo mà ra. Người ta nói: “nghèo không phải là cái tội”, nhưng sao em thấy có quá nhiều vấn đề trầm trọng xuất phát từ cái nghèo.
    Thế rồi hình thành quy luật chung: người nghèo phải được giúp đỡ.
    Giờ em lại có 1 trăn trở: Nếu đứng trước 2 người bình thường, nhân cách tốt như nhau, nhưng 1 giàu 1 nghèo đang cần giúp đỡ (kể cả giúp đỡ về tiền bạc…) thì chị sẽ giúp ai?

    • Đừng đổ tội cho cái “nghèo” chớ em trai. Làm lớn thì phải biết sắp xếp sao đó để dùng tiền thuế phục vụ cho những người nghèo trong vấn đề an sinh xã hội. Thời tụi Tây mà nó còn có những nhà thương thí, vẫn lo được cho người nghèo mà em.
      Đừng trăn trở chuyện giúp ai làm gì em ạ. Chẳng có công thức đâu, việc tới tay, tự khắc mình biết phải làm gì thôi.

  10. Pingback: Lời yêu ở Viện Tim | Người Sài Gòn

Gửi phản hồi cho Saigonese-SUV Hủy trả lời