Trông

Bạn đã bao giờ sống trong tâm trạng bồn chồn ngóng trông một điều gì đó chưa? Thôi để tôi hỏi rồi tự trả lời giùm bạn cho nhanh, có là cái chắc. Này nhé thế nào mà chả có lúc bạn mong sự  xuất hiện của một ai đó, mong một mơ ước thành sự thật, mong một cánh thơ, một email, một tin nhắn, v.v… Cuối năm vừa rồi, trong lúc ngóng tin, tôi vô tình nghe bài “Bèo dạt mây trôi” và rồi chợt nhận ra cái bài dân ca Bắc bộ cổ xưa hay đáo để này đã nói hết giùm tôi nổi lòng khắc khoải đợi mong của tôi rồi.

Bèo dạt mây trôi, chốn xa xôi
Em ơi anh vẫn đợi bèo dạt.
Mây trôi, chim ca, tang tính tình, cá lội
Ngẫm một tin trông, hai tin đợi, ba bốn tin chờ
Sao chẳng thấy đâu.

Một mảnh trăng treo, suốt năm canh
Anh ơi, trăng đã ngã ngang đầu
Thương nhớ  ai, sao rơi, đêm sắp tàn, trăng tà
Người đi xa có nhớ, là nhớ ai ngồi, trông cánh chim trời
Sao chẳng thấy anh…

Mòn mỏi thâu đêm, suốt năm canh
Anh ơi, em vẫn đợi mỏi mòn
Thương nhớ ai, sao rơi, đêm sắp tàn, trăng tà
Cành tre đu trước ngõ
Làn gió la đà em vẫn mong chờ, sao chẳng thấy anh

Mỏi mòn đêm thâu suốt năm canh
Em ơi anh vẫn đợi mỏi mòn.
Thương nhớ ai, chim ơi xin nhắn hộ đôi lời
Người đi xa có nhớ, là nhớ ai ngồi, trông cánh chim trời
Sao chẳng thấy anh…

Tôi thấy thương cho “anh” trong bài hát này quá. Ngày xưa ấy, làm gì đã có tàu thủy hơi nước, xe lửa hoặc máy bay để đưa giúp tin đến anh cho nhanh. Thế nên cái sự ngóng trông của anh nó như càng đằng đẳng trong lúc mọi sự xung quanh thì cứ lửng lờ lướt qua với nhịp sống của riêng mình: mây vẫn trôi, chim vẫn ca và cá vẫn lội, đã vậy chúng nó còn “tang tính tình” nữa cơ chứ! Trong khi anh thì ngồi đó tập đếm: “Ngẫm một tin trông, hai tin đợi, ba bốn tin chờ, sao chẳng thấy đâu”. Kể ra thì anh cũng hơi ăn gian, gom ba và bốn vào cho có mỗi một chữ “chờ”. Chắc phải làm vậy thì sau này anh mới dễ kể cái công chờ của mình. Cũng may là anh chỉ biết đếm tới bốn!

Từng lời, từng chữ của bài dân ca này đã lột tả hết nổi khổ sở của “người xưa” rồi, tôi xoay qua nói đến tâm trạng ngóng trông của “người nay” thôi. Từ ngày internet phát triển, những lá thơ viết tay dần biến mất, chắc chỉ còn lớp người của thập niên 70 đổ về trước mới hiểu được hết giá trị của những lá thư viết tay ngày ấy cũng như nỗi lòng khắc khoải chờ thưc của “người trong cuộc”.

Ngày ấy, bạn bè tôi bỏ xứ ra đi nhiều lắm, đa phần là đi Mỹ. Đứa thì đi từ cấp II, cấp III, có đứa lên Đại học rồi mới đi. Nếu thời cuộc không thế thì chắc tôi cũng chẳng có “bộ sưu tập” thư viết tay đầy một hộp, mỗi lần dọn nhà là tôi lại tha lôi nó theo. Hồi đó, mỗi lần nhận được thư bạn, tôi lại phải để dành tiền mới hồi đáp lại được. Về sau, các bạn tôi khi gửi thư về Việt nam, bao giờ cũng chu đáo kẹp vào đó mấy coupon (một loại tem) để tôi có thể gửi thư lại cho bạn.

Hình chụp trong Sở thú để gửi cho bạn phương xa

Hình chụp trong Sở thú để gửi cho bạn phương xa

Khi nhận được thư của nhau, chúng tôi vui lắm, vài trang giấy mà đọc trong chốc lát là hết veo rồi lại trách bạn sao viết ngắn quá. Thư từ Mỹ về viết trên giấy trắng xanh, có những đường kẻ xanh đậm, thư viết bằng bút bi, còn thư từ Việt nam viết trên giấy ca rô hoặc giấy tập vàng vàng, viết bằng bút máy mực tím. Tôi có người bạn cấp II tên Quỳnh, Cha bạn là sỹ quan VNCH, vượt biên sang Mỹ rồi bảo lãnh cả gia đình đi năm bạn học lớp 8. Vài năm sau, bạn gửi thư về, trong đó có kẹp tờ 10US$ để tôi và ba cô bạn cùng lớp dùng tiền đó chụp hình gửi qua cho Quỳnh xem để nhớ. Đổi tờ tiền đó xong, bốn đứa chúng tôi kéo nhau vào…. Sở thú chụp mấy tấm hình trắng đen và một tấm hình màu, số tiền còn lại vừa đủ để uống nước mía và gửi thư cho bạn. Vật đổi sao dời, chúng tôi mất liên lạc với Quỳnh từ dạo ấy.

Chẳng hiểu sao ngày ấy thư đi lâu lắm, mấy tháng mới tới, tâm trạng mong thư lạ lắm, tôi không diễn đạt được, chỉ tiếc rằng thế hệ sau này sẽ không biết được cảm giác trông đứng trông ngồi Bác phát thư. Bạn có thể đồng cảm ngay với tâm trạng này khi nghe bài “Please, Mr. Portman” của the Beatles. Nhưng có lẽ hay hơn hết vẫn là bài “Người đưa thư đã đi qua” của tác giả Trịnh Văn Ngân. Tôi cho rằng bài này hay hơn vì tác giả là người Việt nam nên nỗi lòng của người mong thơ trong bài hát này tha thiết và phụ hợp với chúng ta hơn cách thể hiện của the Beatles trong Please, Mr. Portman. Chắc nghe xong cái câu năn nỉ: ” Lần sau nhé, nhớ mang cho ta một lá thư hồng. Khỏi tủi lòng ta hôm sớm trông mong”, Bác Bưu tá sẽ phải về lục tung cả bưu điện lên xem mình có sót lá thư nào cho Ca sỹ Ngọc Lan hay không! 

Người đưa thư đã đi qua 
Nhưng cớ sao không ngừng? 
Mà cứ đi, cứ đi, cứ lạnh lùng đi 
Ðừng quên nhé ! có chăng cho ta một lá thư hồng 
Kẻo tủi lòng ta luống công chờ mong 

Vô tâm tiếng chân đều đều vang theo ai kia bước đi 
Xa xa cứ xa dần dần trong khi tim ta muốn lắng 
Hoài công trông ngóng mong chờ tin vắng 
Chắc người xa cách nên lòng đã xa 

Người đưa thư đã đi xa 
Ta ngóng theo không ngừng 
Người cứ đi, cứ đi, cứ lạnh lùng đi 
Lần sau nhé, nhớ mang cho ta một lá thư hồng 
Khỏi tủi lòng ta hôm sớm trông mong

Rồi đến khi email (thư điện tử) phát triển, mọi chuyện trở nên nhanh đến chóng mặt. Lúc này thì nhanh hay chậm lại phụ thuộc vào tốc độ đường truyền internet. Đi làm,  gửi thư cho đối tác nhưng mạng internet bị trục trặc mail chưa tới họ, bị hối quá, có khi tôi buột miệng: “Mail đang trên đường đi”. Nói xong mới thấy mình ngớ ngẩn, đường gì ở đây? Gói cước mắc tiền thì tốc độ truyền của internet sẽ ổn định hơn và email tới nhanh hơn thôi. Cũng có lúc bị tên hàng xóm xấu tính, ngang ngược xua tàu qua cắt cáp quang trên biển của mình thì có khi vài mối tình hoặc quan hệ đối tác làm ăn cũng tan thành mây khói chứ chẳng chơi.

You've got mailNhững cánh thư điện tử này cũng góp phần đưa mọi người xích lại gần nhau. Tôi thích bộ phim “You’ve got mail” có Tom Hank và Meg Ryan đóng. Tôi yêu cái cách hai nhân vật này nói chuyện với nhau hàng ngày qua email những câu chuyện thiên trời địa đất nhưng hoàn toàn không biết mặt mũi nhau, thậm chí họ không ngờ rằng họ chính là đối thủ cạnh tranh của nhau trên thương trường. Hai người thường xuyên “check mail” và giật mình vui sướng khi thấy biểu tượng “You’ve got mail” đột ngột sáng lên trên màn hình. Tôi nghĩ những người thích xem cuốn phim này hẳn cũng đã từng có cảm giác ấy khi thấy hộp thư của mình nhấp nháy sáng đèn.

Thời buổi công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, đến email cũng dần ít được sử dụng (ngoại trừ trong công việc), mọi người dùng Facebook, Skype, Yahoo Messenger, Viber rồi Tango để giao tiếp. Tôi biết có người tối ngày chỉ ngồi canh cái nút hình vuông tim tím của Viber xem nó có xuất hiện trên điện thoại không. Bạn tôi cài Viber vào điện thoại chỉ để liên lạc với một người, rồi đến một hôm người kia “im thin thít, lặn mất tăm”, bạn tôi vẫn cứ ngồi ngó cái điện thoại suốt mấy tháng trời, mong một tiếng “bip” báo có tin nhắn. Tôi chẳng dám khuyên bạn, chỉ nghĩ thầm trong đầu: “Thôi thì đến nhanh, đi cũng sẽ nhanh”. Tôi cũng chẳng dám cho bạn nghe bài “Chờ phone của anh”, sợ bạn lại bảo nhạc sỹ sáng tác bài đó dành riêng cho bạn.

Hãy kiểm tra thử xem bạn còn thiếu món nào trong "nhà" của mình ;)

Hãy kiểm tra thử xem bạn còn thiếu món nào trong “nhà” của mình 😉

Chẳng biết sau những phần mềm giao tiếp tiện ích nói trên thì “tin” sẽ đến với người ta bằng cách gì nữa. Quay trở lại với nỗi niềm trông ngóng của tôi hồi cuối năm ngoái, thực ra thì nó không được “bay bổng” như của người xưa trong bài dân ca hoặc của cô gái mong cánh thơ từ bác bưu tá đâu. Niềm chờ mong của tôi được quy ra “thóc” vì đi làm suốt 12 tháng, chỉ trông cuối năm được thưởng kha khá. Ấy thế mà chờ hoài cũng chẳng thấy Sếp lên tiếng. Tôi muốn hát khúc dân ca “Ngẫm một tin trông, hai tin đợi, ba bốn tin chờ, sao chẳng thấy đâu” cho Sếp nghe, nhưng sợ ổng không thể hiểu được thì thật là uổng quá đi, nên đành tiếp tục chờ và mình hát cho mình nghe vậy!

 

14 thoughts on “Trông

    • Vậy là có ít nhất 6 người nhớ tấm hình này phải không Mai? Bốn nhân vật trong ảnh và chị em Như Quỳnh/Quỳnh Chi. Chẳng hiểu sao, Vy thấy tấm này đẹp hơn tấm hình màu.

  1. Thiết nghĩ tao là người bốc tem đầu tiên bài này là hợp phải không Vy.
    Tao còn giữ tấm hình này và cả mấy tấm hình chụp trong đợt đó, là lần đầu và lần cuối bốn mình chụp chung với nhau.
    Nhớ mấy bức thư từ VN viết trên giấy mỏng dính, chữ nhỏ như kiến nhưng mang rất nhiều tâm tình, của người viết lẫn người mong nhận thơ. Tao vẫn còn những lá thư này, cất kỹ trong hộp.
    Sao mày không đề cập đến phây trong bài này?

    • Mày đừng cho chữ “thiết nghĩ” vào là nhanh hơn Mai rồi 🙂 Thư từ Mỹ về, giấy có vẻ không bị vàng ố đi, nhưng tao chắc thư từ VN đi thì đổi màu dữ lắm. Có mấy lá thư của Phi Thủy rất “nhạy cảm”, tao đang tính bữa nào gửi cho ông xã nàng xem 🙂
      Tao không đề cập đến phây vì mọi thứ trên đó nó trôi veo veo, còn gì nữa mà bồn chồn đợi, trông.

  2. Hehehe… Mai bốc tem trước tao rồi vì tao nhiều chuyện quá. Đợi đánh máy xong cái post thì có người bốc trước rồi. 🙂

  3. Vy làm mình sống lại một thời mà nhìn nét chữ là biết thơ ai rồi !Trông thơ và nhiều khi là trông tin để biết bạn bè đã được bình an.Những kỷ niệm đó gắn liền với tuổi thơ của tụi mình.Khó mà quên được !
    Đầu bài thấy thơ ca tình cảm trông chờ,tưởng được bật mí tin mật nào chứ.Hoá ra hổng ăn nhập gì vời đoạn kết 🙂

    • Hải Thanh đã bị…vịn 🙂 Biết trước là sẽ bị vặn vẹo cái vụ ngóng trông này nên Vy đã phải bỏ công ra làm cái đoạn kết để khỏi phải trả lời những câu hỏi như của bạn mình đây 😉

  4. Chờ đợi bao giờ cũng mang lại cho ta nhiều cảm xúc nhất. Phim You’ve Got Mail là phim đầu tiên Hân xem khi đến Mỹ. Lời báo tin này là của mạng AOL, bây giờ Hân vẫn xài mạng này đó UV. Mỗi lần mở lên là nghe “You’ve got mail” và nhớ tới phim và những ngày đầu đặt chân lên nước Mỹ

    • Hân trung thành với AOL quá hả. Thời đại này, mọi thứ trôi qua nhanh quá Hân ạ, ngày xưa aol mail đình đám một thời mà bây giờ gần như biến mất. Vy thích cái tiệm sách cũ của Meg, vậy mà nó cũng chẳng cản được bước tiến của thời đại dù giá trị của nó không thể phủ nhận được.

Bình luận về bài viết này